Mục tiêu (Quá trình liên tục cải tiến)
Tác giả sách: Eliyahu M. Goldratt – Jeff Cox
“… Như một món ăn ngon, “Mục tiêu” quá tuyệt nên không thể bỏ qua được. Các công ty bắt đầu mua cả chồng sách, và các trường quản trị kinh doanh đưa cuốn sách này vào chương trình giảng dạy” – Fortune Magazine.

“… Bất cứ ai xem mình là nhà quản lý nên đi mua và đọc cuốn sách này ngay. Một trong những cuốn sách kinh doanh xuất sắc nhất mà tôi đã từng đọc” – Punch Magazine.

“Một điều bất ngờ là có nhiều người sống ở hàng chục nước khác nhau đã cho rằng cuốn sách này viết về doanh nghiệp của họ và gia đình của họ”.

Mục tiêu bàn về khoa học và giáo dục. Tôi tin rằng hai từ này đã bị lạm dụng đén mức nghĩa gốc ban đầu của chúng đã bị mất hút giữa một đám mây mù do người ta quá nể trọng chúng và thấy chúng quá thần bí. Đối với tôi, và đối với đại đa số những nhà khoa học đáng kính, khoa học không phải bàn về những bí mật của tự nhiên, hay thậm chí về các chân lý. Khoa học chỉ là phương pháp ta dùng để xây dựng một tập hợp tối thiểu những giả định có thể giải thích sự tồn tại của nhiều hiện tượng trong tự nhiên thông qua phép suy luận lô-gic đơn giản.

Chẳng hiểu vì sao chúng ta đã giới hạn ý nghĩa của khoa học trong một tập hợp những hiện tượng tự nhiên rất chọn lọc và hạn hẹp. Nói khoa học là ta thường bàn đến vật lý, hoá học hay sinh học. Chúng ta cũng nên nhận ra rằng có nhiều hiện tượng tự nhiên khác không nằm trong các chủng loại này, ví dụ những hiện tượng ta thấy trong các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức công nghiệp. Nếu những hiện tượng này không phải là hiện tượng tự nhiên, thì là gì? Chúng ta có muốn xếp những gì ta thấy trong các tổ chức vào phạm trù hư cấu, chứ không phải phạm trù thực tế không?

Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm chứng minh rằng chúng ta có thể xây dựng một số rất ít các giả định và vận dụng chúng để giải thích rất nhiều hiện tượng công nghiệp. Độc giả có thể phán xét liệu có phải cách suy luận lô-gíc trong cuốn sách này từ những giả định của nó đến những hiện tượng ta từng chứng kiến là hoàn hảo đến mức được gọi là giác quan đời thường?

Với cuốn sách này tôi muốn chứng minh rằng không cần phải có trí tuệ siêu phàm mới có thể xây dựng một khoa học mới hay mở rộng một khoa học hiện có. Cái ta cần chỉ là lòng can đảm để đối mặt với những điều mâu thuẫn và không lảng tránh chúng chỉ vì “xưa nay vẫn luôn thế”. Trong sách tôi cũng cố gắng trình bày ý nghĩa của giáo dục. Tôi thực lòng tin rằng cách duy nhất mà chúng ta có thể học hỏi là thông qua quá trình suy luận của mình. Đưa ra cho ta biết kết luận cuối cùng không phải là cách học hỏi, cùng lắm đó cũng chỉ là cách ta được đào tạo. Đó là lý do tại sao tôi trình bày thông điệp chứa đựng trong cuốn sách này theo phương pháp Socrates…

——————————————————————————–

Về tác giả

Cuộc chinh chiếm mười năm trời của Eli Goldratt nhằm biến sản xuất từ một nghệ thuật thành một khoa học đang gặt hái thành công. Eli bắt đầu nổi danh là người đạp đổ những truyền thống được tôn thờ lâu đời vào năm 1979 khi hệ thống điều độ sản xuất bằng vi tính của ông được tung ra và bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng việc điều độ sản xuất hữu hạn không có tác dụng.

Công trình này đã dẫn đến nhận thức rằng những số đo hiện hành được dùng trong sản xuất là một rào cản lớn đối với việc cải thiện và đã dẫn đến các bước phát triển kế tiếp. Nhưng khi ông công kích “Kế toán chi phí là kể thù số một của năng suất”, lẽ ra ông đã bị rất nhiều người phản đối. Trái lại, ông đã được giới sản xuất cũng như giới tài chính hoan ngênh nhiệt liệt. Nhiều công ty hiện nay đang bãi bỏ hiệu suất và xem xét lại những ứng dụng khác của kế toán chi phí trong việc ra quyết định. Hiện nay quá trình liên tục cải tiến của Eli ngày càng được công nhận là một cách tiếp cận tổng quát hữu ích và khả thi trong đó những phương pháp khác – chẳng hạn MRP (hoạch định yêu cầu vật liệu), Just in Time (nhu cầu đến đâu sản xuất tới đó), Kiểm soát Quá trình thống kê – (Statistical Process Control) được phối hợp đồng bộ với nhau.

Có vẻ hợp lý khi một người được xem là khác thường nhưng có đầy trực quan đời thường đã cải dạng cho quyển Mục tiêu, một cuốn sách giáo khoa về sản xuất, thành một cuốn tiểu thuyết, hay như một số người nói, một câu chuyện tình. Cũng dễ hiểu khi nó trở thành cuốn sách rất được ưu chuộng trong các phòng họp hội đồng quản trị, các trường đại học và trong xưởng máy. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Mục tiêu lại được các cặp vợ chồng chuyền tay nhau đọc say sưa. Cũng bất ngờ khi người đọc ở hơn một chục quốc gia cho rằng cuốn sách này viết về nhà máy của họ và gia đình của họ.

Cuốn sách thứ hai của Eli (viết chung với Robert Fox) mở rộng thêm về những khía cạnh kỹ thuật của công tác quản lý hoạt động sản xuất. Ông cũng là tác giả của The Haystack Syndrome: Sifting InFormation Out of the Data Ocean (Hội chứng đồng cỏ khô: Sàng lọc thông tin từ biển dữ liệu), và The Theory of Constraints (Lý thuyết Các mặt hạn chế).

Hiện nay Eli dành hết thời gian của mình cho Viện Avraham Y.Goldratt (đặt theo tên người cha quá cố của ông) để nâng cao tốc độ tạo ra tri thức và truyền bá tri thức.

——————————————————————————–

Lời giới thiệu

“Mục tiêu” bàn về những nguyên lý tổng quát mới của hoạt động sản xuất. Sách nói về những người cố gắng tìm hiểu những gì làm cho thế giới của họ vận động và phát triển để họ có thể làm cho thế giới đó tốt đẹp hơn. Khi suy nghĩ một cách lôgic và nhất quán về những vấn đề của mình, họ có thể xác định được những mối quan hệ “nhân quả” giữa các hành động của họ và các kết quả. Trong quá trình này, họ suy luận được một số nguyên tắc cơ bản họ dùng để cứu nhà máy của mình và giúp nó thành công.

Tôi xem khoa học chỉ là sự tìm hiểu bản chất của thế giới và tại sao lại như thế. Ở một thời điểm bất kỳ nào đó, kiến thức khoa học của chúng ta chỉ là hiện trạng của nghệ thuật tìm hiểu của ta. Tôi không tin những chân lý tuyệt đối. Tôi sợ những niềm tin như vậy bởi vì chúng cản trở cuộc tìm kiếm để hiểu biết hơn. Bất cứ khi nào ta nghĩ là đã có câu trả lời cuối cùng, thì coi như sự tiến bộ, khoa học, và sự hiểu biết hơn đã chấm dứt. Tuy nhiên, không nên tìm hiểu thế giới chỉ để tìm hiểu. Tôi cho rằng nên mưu cầu kiến thức để làm thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn – để làm cho cuộc sống trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn.

Có nhiều lý do khiến tôi chọn viết tiểu thuyết để giải thích những điều tôi hiểu về hoạt động sản xuất – cách nó vận hành (thực tế) và tại sao nó vận hành theo cách đó. Thứ nhất, tôi muốn làm cho những nguyên tắc này dễ hiểu hơn và cho thấy bằng cách nào chúng có thể tập lại trật tự cho tình trạng hỗn loạn thường xảy ra trong các nhà máy. Thứ hai, tôi muốn minh hoạ sức mạnh của sự hiểu biết này và những lợi ích mà nó có thể mang lại. Những kết quả đạt được chẳng phải là chuyện tưởng tượng; người ta đã và đang đạt được những kết quả đó tại những nhà máy thực tế. Nếu ta hiểu và áp dụng những nguyên tắc đúng đắn, ta có thể cạnh tranh với bất cứ ai. Tôi cũng hy vọng rằng độc giả sẽ thấy tình đúng đắn và giá trị của những nguyên tắc này trong những tổ chức khác như ngân hàng, bệnh viện, công ty bảo hiểm và gia đình của chúng ta. Có lẽ tiềm năng tăng trưởng và cải tiến tương tự như thế có trong tất cả các tổ chức.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, tôi muốn chứng tỏ rằng tất cả cúng ta đều có thể là những nhà khoa học xuất sắc. Theo tôi, bí quyết để thành một nhà khoa học giỏi không nằm ở năng lực trí tuệ của ta. Ta có đủ năng lực đó. Ta chỉ cần quan sát thực tế và suy nghĩ có lôgic và chính xác về những gì ta thấy. Điều mấu chốt là có can đảm để đối mặt với những điều mâu thuẫn giữa những gì ta thấy và suy luận với cách mà sự việc được thực hiện. Việc thách thức những giả định cơ bản như vậy là thiết yếu để có những bước đột phá. Gần như tất cả những ai đã từng làm việc trong nhà máy chí ít cũng thấy khó chịu về việc dùng kế toán quản trị để kiếm soát những hành động của chúng ta. Tuy nhiên, hiếm có ai trực tiếp thách thức truyền thống được tôn thờ lâu đời này. Muốn đạt tiến bộ trong quá trình hiểu biết thì ta cần phải thách thức những giả định cơ bản về bản chất của thế giới và tại sao lại như thế. Nếu ta có thể hiểu rõ hơn về thế giới của mình và những nguyên tắc chi phối nó, tôi cho rằng cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.

Chúc bạn may mắn trong cuộc tìm kiếm những nguyên tắc này và trong nỗ lực xác định “Mục tiêu” cho riêng bạn.

Lời giới thiệu của ấn bản lần thứ hai có hiệu chỉnh

Mục tiêu bàn về khoa học và giáo dục. Tôi tin rằng hai từ này đã bị lạm dụng đến mức nghĩa gốc ban đầu của chúng đã bị mất hút giữa một đám mây mù do người ta quá nể trọng chúng và thấy chúng quá thần bí. Đối với tôi, và đối với đại đa số những nhà khoa học đáng kính, khoa học không phải bàn về những bí mật của tự nhiên, hay thậm chí về các chân lý. Khoa học chỉ là phương pháp ta dùng để xây dựng một tập hợp tối thiểu những giả định có thể giải thích sự tồn tại của nhiều hiện tượng trong tự nhiên thông qua phép suy luận lôgic đơn giản.

Định luật Bảo toàn Năng lượng không phải là chân lý. Đó chỉ là một giả định có giá trị trong việc giải thích rất nhiều hiện tượng tự nhiên. Một giả định như vậy có thể không bao giờ được chứng minh vì cho dù nó có thể giải thích được vô số hiện tượng thì điều đó cũng không chứng minh được rằng nó có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Trái lại, chỉ cần một hiện tượng không thể giải thích được bằng giả định này là có thể bác bỏ nó. Việc bác bỏ này không làm giảm giá trị của giả định đó. Nó chỉ làm nổi bật nhu cầu hay thậm chí sự tồn tại của một giả định có giá trị hơn. Điều này đúng với giả định về bảo toàn năng lượng, nó được thay thế bằng định đề phổ biến hơn – có giá trị hơn – của Einstein về bảo toàn năng lượng và khối lượng. Giống như “tính đúng đắn” của giả định bảo toàn năng lượng có thể bị bác bỏ, tính đúng đắn của giả định Einstein cũng có thể bị bác bỏ.

Chẳng hiểu vì sao chúng ta đã giới hạn ý nghĩa của khoa học trong một tập hợp những hiện tượng tự nhiên rất chọn lọc và hạn hẹp. Nói khoa học là ta thường bàn đến vật lý, hoá học, hay sinh học. Chúng ta cũng nên nhận ra rằng có nhiều hiện tượng tự nhiên khác không nằm trong các chủng loại này, ví dụ những hiện tượng ta thấy trong các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức công nghiệp. Nếu những hiện tượng này không phải là hiện tượng tự nhiên, thì là gì? Chúng ta có muốn xếp những gì ta thấy trong các tổ chức vào phạm trù hư cấu, chứ không phải phạm trù thực tế không?

Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm chứng minh rằng chúng ta có thể xây dựng một số rất ít các giả định và vận dụng chúng để giải thích rất nhiều hiện tượng công nghiệp. Độc giả có thể phán xét liệu có phải cách suy luận lôgic trong cuốn sách này từ những giả định của nó đến những hiện tượng ta chứng kiến hàng ngày ở các nhà máy là hoàn hảo đến mức bạn gọi đó là trực quan đời thường. Nhân tiện xin nói là trực quan đời thường chẳng thường chút nào, và là lời khen cao nhất ta dành cho một chuỗi kết luận lôgic. Nếu bạn làm thế, về cơ bản bạn đã đưa khoa học ra khỏi tháp ngà của giới học thuật và đặt nó vào đúng vị trí của nó, ở chỗ mà mỗi người trong chúng ta đều có thể tiếp cận và ứng dụng nó vào những điều ta thấy quanh mình.

Với cuốn sách này, tôi cố gắng chứng minh rằng không cần phải có trí tuệ siêu phàm mới có thể xây dựng một khoa học mới hay mở rộng một khoa học hiện có. Cái ta cần chỉ là lòng can đảm để đối mặt với những điều mâu thuẫn và không lảng tránh chúng chỉ vì “xưa nay vẫn luôn làm thế”. Tôi đã mạo muội lồng vào cuốn sách này một chuyện lục đục trong gia đình, mà tôi cho rằng rất quen thuộc với bất cứ nhà quản lý nào quá say mê công việc của mình. Tôi làm vậy không phải để sách ăn khách hơn, mà để nêu bật cái thực tế là chúng ta thường cho rằng nhiều hiện tượng tự nhiên chẳng liên qua gì đến khoa học.

Trong sách tôi cũng đã cố gắng trình bày ý nghĩa của giáo dục.Tôi thực lòng tin rằng cách duy nhất mà chúng ta có thể học hỏi là thông qua quá trình suy luận của mình. Đưa ra cho ta biết kết luận cuối cùng không phải là cách ta học hỏi. Cùng nắm đó cũng chỉ là cách ta được đào tạo. Đó là lý do tại sao tôi trình bày thông điệp chứa đựng trong cuốn sách này theo phương pháp Socrates. Dù biết rõ các giải pháp, Jonah kích thích Alex tìm ra chùng bằng cách cung cấp những dấu hỏi chứ không phải những dấu chấm than. Tôi tin rằng, nhờ phương pháp này, độc giả sẽ suy luận ra những câu trả lời trước khi Alex Rogo tìm ra được. Nếu bạn thấy cuốn sách này thú vị, có lẽ bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đây là cách giáo dục, đây là cách ta nên cố gắng dùng để viết sách giáo khoa. Sách giáo khoa không nên đưa ra cho chúng ta một loạt những kết quả cuối cùng, mà nên có một cốt truyện giúp độc giả có thể tự đi qua một quá trình suy luận. Nếu qua cuốn sách này tôi thành công trong việc thay đổi đôi chút quan niệm của bạn về khoa học và giáo dục, đó là phần thưởng đích thực cho tôi.

trích: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/KinhDoanh-QTDN/Diem-Sach-Hay/MucTieu-Eli_Goldratt-The_Goal/

Contact Me on Zalo