Giới thiệu về Thiết kế & Phát triển Sản phẩm theo Six Sigma (Design for Six Sigma – DFSS)

Trong thị trường toàn cầu ngày nay, cạnh tranh trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ chưa bao giờ cao như vậy. Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cho nhiều sản phẩm rất tương tự. Do đó, nhiều công ty sản xuất liên tục nỗ lực giới thiệu các sản phẩm hoàn toàn mới hoặc mở rộng ra các thị trường mới. Đôi khi, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng và đôi khi không.

Thông thường, công ty sẽ tiến hành thiết kế & phát triển lại sản phẩm, đôi khi phát triển và thử nghiệm nhiều phiên bản trước khi tái giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Việc thiết kế & phát triển lại nhiều lần của một sản phẩm là tốn kém và lãng phí. Sẽ có ích hơn nếu sản phẩm đáp ứng thực sự nhu cầu và mong đợi của khách hàng, với một mức chất lượng sản phẩm cao ngay từ lần đầu. Design for Six Sigma (DFSS) tập trung vào việc thực hiện công việc bổ sung từ đầu để đảm bảo bạn hiểu đầy đủ nhu cầu và mong đợi của khách hàng trước khi thiết kế & phát triển hoàn tất. DFSS yêu cầu sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở mọi chức năng. Khi tuân theo phương pháp DFSS, bạn có thể đạt được mức chất lượng cao hơn cho các sản phẩm hoặc quá trình mới.

Design for Six Sigma (DFSS) là gì?

Design for Six Sigma (DFSS) là một phương pháp tiếp cận khác biệt trong việc phát triển sản phẩm hoặc quá trình mới với nhiều phương thức có thể được sử dụng. Six Sigma truyền thống sử dụng phương pháp DMAIC (Define, Measure, Analyze, Improve và Control). Phương pháp này hiệu quả nhất khi được sử dụng để cải thiện một quá trình hiện có (đang hiện hữu) hoặc thực hiện các thay đổi gia tăng (bổ sung thêm) đối với thiết kế & phát triển sản phẩm đang có.

Ngược lại, Design for Six Sigma (DFSS) thường được sử dụng chủ yếu cho việc thiết kế & phát triển lại hoàn toàn một sản phẩm hoặc một quá trình mới chưa có (chưa tồn tại). Các phương thức hoặc bước được sử dụng cho DFSS có thay đổi tùy thuộc vào doanh nghiệp hoặc tổ chức triển khai quá trình thiết kế & phát triển phù hợp. Một số ví dụ là sử dụng tiến trình DMADV, DCCDI và IDOV (CDOV).

Những phương pháp này có điểm chung là tập trung vào việc hiểu đầy đủ nhu cầu của khách hàng (VOC) và áp dụng thông tin này vào thiết kế & phát triển sản phẩm và quá trình mới. Đội ngũ DFSS phải là đa chức năng để đảm bảo rằng tất cả các khía cạnh của sản phẩm được xem xét, từ nghiên cứu thị trường qua giai đoạn thiết kế, phát triển sản phẩm, triển khai quá trình và ra mắt sản phẩm.

Với DFSS, mục tiêu là thiết kế & phát triển sản phẩm và quá trình mới mà luôn giảm thiểu được các lỗi (phần triệu 3.4 ppm) và các dao động từ nguồn gốc của chúng. Kỳ vọng cho một quá trình (LSL, USL) được phát triển bằng cách sử dụng DFSS là từ mức 4,5 sigma hoặc cao hơn.

Tại sao triển khai Design for Six Sigma (DFSS)?

Khi công ty của bạn thiết kế & phát triển một sản phẩm hoặc quá trình mới từ đầu, điều này đòi hỏi một lượng lớn thời gian và nguồn lực. Nhiều sản phẩm ngày nay rất phức tạp, tạo ra nhiều cơ hội để mọi thứ có thể mắc phải các sự cố. Nếu thiết kế & phát triển của bạn không đáp ứng những mong muốn và kỳ vọng thực sự của khách hàng hoặc sản phẩm của bạn không cung cấp giá trị mà khách hàng sẵn lòng trả tiền, doanh số bán hàng sẽ giảm. Việc thiết kế & phát triển lại sản phẩm và quá trình mới là tốn kém và tăng thời gian đưa sản phẩm ra thị trường của bạn.

Ngược lại, bằng cách sử dụng phương pháp Design for Six Sigma (DFSS), các công ty đã giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường từ 25 đến 40 phần trăm trong khi vẫn cung cấp một sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng. DFSS là một phương pháp tiếp cận tích cực cho việc thiết kế & phát triển với dữ liệu có thể đo lường và các công cụ thiết kế & phát triển đã được chứng minh có thể cải thiện khả năng thành công của bạn.

Khi nào nên triển khai Design for Six Sigma (DFSS)?

DFSS nên được sử dụng khi thiết kế và phát triển một sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn toàn mới hoặc DFSS cũng được cấu trúc rất phù hợp để sử dụng khi bạn phải lựa chọn thay thế một sản phẩm hay dịch vụ thay vì phải thiết kế lại. Khi sản phẩm hoặc quá trình hiện tại không thể được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đó là lúc cần phải thay thế với các lựa chọn tối ưu hơn đó là lúc dùng tới DFSS.

DFSS được sử dụng để ngăn chặn vấn đề chất lượng. Sử dụng phương pháp và các phương thức của DFSS khi mục tiêu của bạn là tối ưu hóa thiết kế để đáp ứng những mong muốn và kỳ vọng thực sự của khách hàng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, cung cấp một mức chất lượng sản phẩm ban đầu cao và thành công ngay từ lần đầu.

Làm thế nào để triển khai Design for Six Sigma (DFSS)?

Như đã đề cập trước đó, DFSS là một phương pháp tiếp cận giúp quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm dịch vụ mới hiệu quả. Dự án DFSS nên liên quan đến một đội ngũ đa chức năng từ toàn bộ tổ chức. Đó là một nỗ lực nhóm cần tập trung vào yêu cầu của khách hàng (VOC) và các thông số đặc tính chính yếu ảnh hưởng đến chất lượng Critical to Quality (CTQ). Đội ngũ DFSS nên dành thời gian nghiên cứu và hiểu rõ vấn đề với các hệ thống hiện tại trước khi phát triển một thiết kế mới. Có nhiều phương thức đang được sử dụng để triển khai DFSS. Một trong những kỹ thuật phổ biến nhất được mô tả chi tiết dưới đây gọi là DMADV, IDOV, CDOV, và DMEDI:

  1. DMADV (Define, Measure, Analyze, Design, Verify):
    • Define (Xác định): Xác định yêu cầu của khách hàng và mục tiêu của dự án. Đặt ra các tiêu chí chất lượng và đặc điểm quan trọng của sản phẩm.
    • Measure (Đo Lường): Xác định và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng. Xác định hiện trạng và khả năng của quy trình hiện tại.
    • Analyze (Phân Tích): Phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về các yếu tố quan trọng và tìm kiếm cơ hội để cải thiện.
    • Design (Thiết Kế): Phát triển và thiết kế sản phẩm hoặc quy trình mới để đáp ứng yêu cầu đã xác định ở giai đoạn Define. Sử dụng các công cụ và kỹ thuật thiết kế sáng tạo.
    • Verify (Xác Nhận): Kiểm tra và xác nhận rằng sản phẩm hoặc quy trình mới đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện thử nghiệm và đánh giá.
  2. IDOV (Identify, Design, Optimize, Verify):
    • Identify (Nhận nhiện / xác định cơ hội): Xác định yêu cầu của khách hàng và xác định cơ hội và thách thức của dự án.
    • Design (Thiết Kế): Phát triển thiết kế dựa trên yêu cầu của khách hàng và thông tin nhận biết từ giai đoạn trước.
    • Optimize (Tối Ưu Hóa): Tối ưu hóa thiết kế để đảm bảo hiệu suất tốt nhất và đáp ứng tối đa các yêu cầu.
    • Verify (Xác Nhận): Kiểm tra và xác nhận rằng sản phẩm đáp ứng yêu cầu đã đặt ra.
  3. CDOV (Concept, Design, Optimize, Validate):
    • Concept (Thiết kế mô hình): Phát triển ý tưởng ban đầu dựa trên yêu cầu của khách hàng.
    • Design (Thiết Kế): Xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên ý tưởng đã chọn.
    • Optimize (Tối Ưu Hóa): Tối ưu hóa thiết kế để đảm bảo hiệu suất và chất lượng.
    • Validate (Xác Nhận): Kiểm tra và xác nhận rằng sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
  4. DMEDI (Define, Measure, Explore, Develop, Implement):
    • Define (Xác định): Xác định yêu cầu và mục tiêu của dự án.
    • Measure (Đo Lường): Đo lường hiện trạng và xác định các chỉ số quan trọng.
    • Explore (Khám Phá): Tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo và xác định giải pháp tiềm năng.
    • Develop (Phát Triển): Phát triển sản phẩm hoặc quy trình dựa trên các ý tưởng đã chọn.
    • Implement (Triển Khai): Triển khai sản phẩm mới và theo dõi hiệu suất.

Các mô hình này cung cấp một kịch bản hướng dẫn cho việc áp dụng nguyên lý Six Sigma vào quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm, giúp đảm bảo chất lượng và hiệu suất cao.

MBB. Pham Thanh Dieu | Chairman – Business Consultant

Contact Me on Zalo