Lean 6 Sigma được định nghĩa là các phương pháp quản lý và công cụ hiện đại để cải tiến, đó là sự kết hợp có chọn lọc giữa hệ phương pháp giải quyết các vấn đề hiển thị và các vấn đề tiềm ẩn. Nó được xem như là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ một cách phù hợp nhất với khả năng nội tại của tổ chức hoặc doanh nghiệp. Một cuộc hội thảo về Lean 6 Sigma đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 6/5/2010.
Không chỉ là chiến thuật thực hiện trong việc giảm chi phí
Lean Manufacturing là một nhóm phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trên khắp thế giới, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất. Lãng phí ở đây được hiểu là “tất cả các hoạt động của doanh nghiệp không giúp tạo ra giá trị mong muốn cho khách hàng”. Vì thế, muốn áp dụng Lean, doanh nghiệp phải hiểu đâu là những điều khách hàng thật sự quan tâm, những giá trị từ sản phẩm và dịch vụ cung cấp được khách hàng sẵn sàng trả tiền… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ biết cách giảm thiểu, hoặc loại bỏ những hoạt động nào làm phát sinh chi phí và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.
6 Sigma là một triết lý quản trị, quản trị theo quá trình, không phải theo chức năng và ra quyết định dựa trên các sự kiện thực tế và dữ liệu hơn là các kỹ năng cố hữu. 6 Sigma được xây dựng dựa vào ưu tiên cái gì là quan trọng nhất đối với khách hàng: sử dụng các công cụ phân tích chuyên sâu để cải tiến quá trình; tập trung hoàn toàn vào giảm sự biến động và sai lỗi. Sai lỗi xảy ra khi đầu ra của quá trình không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Mục đích của 6 Sigma là cải tiến năng lực quá trình để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
Kết hợp Lean và 6 Sigma là một xu hướng mà các công ty trên thế giới đang áp dụng và triển khai, sau rất nhiều các kinh nghiệm đã được rút ra từ thực tế. Một phương pháp luận có hệ thống nhằm cải tiến đột phá quá trình sản xuất kinh doanh bằng cách phân tích dòng giá trị của quá trình và loại trừ các hoạt động không mang lại giá trị “lãng phí”. Lean với tư tưởng chủ đạo là loại trừ lãng phí và rút ngắn thời gian chu trình bằng cách áp dụng các công cụ cải tiến liên tục cho mỗi vấn đề cụ thể. 6 Sigma tập trung vào cải tiến quá trình bằng phân tích thống kê và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu chuyên sâu, nhằm tìm ra các nguyên nhân cốt lõi gây ra dao động của quá trình. Cho nên các công cụ về thống kê và giải quyết vấn đề của 6 Sigma được sử dụng rất phù hợp khi triển khai Lean. Thông thường khi triển khai kết hợp Lean và 6 Sigma các công ty gọi là “Lean 6 Sigma”.
Tại hội thảo này, TS Nguyễn Hữu Thiện, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cho các đại biểu cũng như các doanh nghiệp hình dung ra tư duy quản lý và tư duy kinh tế, để từ đó cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Có thể phân loại cho 6 Sigma, đó là quản lý tri thức, giải pháp tốt nhất, chuỗi cung ứng, tư duy sáng tạo, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, giải pháp năng suất toàn diện. TS Nguyễn Hữu Thiện đã lấy ví dụ từ Tập đoàn TOYOTA, khi TOYOTA mới ra đời, các công ty xe hơi của Mỹ đã là những người khổng lồ, nhưng chỉ vài chục năm sau, TOYOTA đã hình thành thương hiệu lẫy lừng.
Lean cũng có nghĩa là sản xuất tinh gọn. Áp dụng được hệ thống Lean sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt tồn kho, rút ngắn thời gian ra hàng, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tạo khả năng sản xuất, cải thiện quan hệ với khách hàng… Vì vậy, Lean 6 Sigma không đơn thuần là một chiến thuật thực hiện trong việc tiết kiệm chi phí, Lean 6 Sigma còn là một triết lý quản trị. Ở đây, TS Nguyễn Hữu Thiện cũng đã đưa ra câu nói nổi tiếng của Bill Gates, ông chủ của hãng Microsoft: “Thắng hay bại là tùy thuộc vào việc người ta thu lượm, quản lý và sử dụng thông tin như thế nào”. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ngành công nghiệp Việt Nam được xếp vào nhóm cuối về hiệu suất sử dụng năng lượng. Kết quả khảo sát một số ngành công nghiệp gồm nhựa, sành sứ, xi măng… của Bộ Công Thương cũng cho thấy các ngành này có thể tiết kiệm năng lượng lên đến 20-30% nếu thực hiện đồng bộ các biện pháp cải tiến kỹ thuật và quản lý. Hiện nay, sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 40% nhu cầu năng lượng của cả nước, tương đương khoảng 19 triệu tấn dầu quy đổi. Nếu chính sách tiết kiệm năng lượng được thắt chặt, ngành công nghiệp có thể tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nhận thức và thực tiễn tại Việt Nam về Lean 6 Sigma
Việc áp dụng Lean 6 Sigma trong các doanh nghiệp đang và sẽ trở thành phổ biến. Tại Việt Nam, các câu lạc bộ Lean 6 Sigma cũng đã được ra đời ở nhiều tỉnh, thành như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng… Ở Thừa Thiên Huế, thuật ngữ Lean 6 Sigma còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp chưa thấy hết được việc triển khai Lean 6 Sigma vào chiến lược kinh doanh mang một ý nghĩa quan trọng như thế nào. Do vậy cuộc hội thảo này được tổ chức như là một diễn đàn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Huế tiếp cận một cách sâu rộng hơn việc ứng dụng Lean 6 Sigma vào chiến lược kinh doanh. Ở các tỉnh, thành có thành lập câu lạc bộ Lean 6 Sigma, hoạt động Lean 6 Sigma được diễn ra sôi nổi với rất nhiều hoạt động thiết thực, đã giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp định hình được việc tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực nhằm quản lý sản xuất hiệu quả, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp ứng dụng Lean 6 Sigma đã đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu, tuy nhiên việc vận dụng các mô hình khác nhau để đạt được các mục tiêu thường chưa cho kết quả như mong đợi.
Lean 6 Sigma là sự kết hợp có chọn lọc giữa hệ phương pháp giải quyết các vấn đề hiển thị và các vấn đề tiềm ẩn được xem như là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ một cách phù hợp nhất với khả năng nội tại của tổ chức hoặc doanh nghiệp. Trong phát biểu của mình tại hội thảo, Ths Phạm Thanh Diệu đã nhắc đến tầm quan trọng của việc triển khai Lean 6 Sigma: “Đi theo con đường Lean 6 Sigma không đơn thuần là một chiến thuật trong việc tiết kiệm chi phí. Lean 6 Sigma là một triết lý quản lý. Đó là sự cam kết quản lý xuyên suốt quá trình, không phải quản lý chức năng và ra quyết định dựa trên thực tế và dữ liệu hơn là các kỹ năng cố hữu”. Ông Phạm Thanh Diệu cho biết thêm, nếu các doanh nghiệp xem Lean 6 Sigma như là một chiến lược thì các công ty triển khai Lean 6 Sigma như là việc để làm thay đổi phương pháp quản lý sản xuất kinh doanh, từ đó thay đổi cấu trúc dữ liệu để tiếp tục cải tiến lợi nhuận kinh doanh, nhằm giảm thiểu các vấn đề phát sinh hàng ngày, từ đó quản lý sản xuất kinh doanh một cách chủ động và nhận ra các lợi ích lâu dài của Lean 6 Sigma. Là một chuyên gia tư vấn Lean 6 sigma và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cải tiến liên tục, Phạm Thanh Diệu đã làm việc tại các tập đoàn toàn cầu và dành rất nhiều thời gian nghiên cứu áp dụng cải tiến liên tục Lean 6 Sigma vào các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, đối với Phạm Thanh Diệu, khi quyết định vấn đề cần cải tiến, chúng ta cần nhìn nhận quá trình theo triển vọng sự phát triển của thị trường. Trong nhiều trường hợp, tiết kiệm chi phí và sử dụng nguồn lực hiệu quả có thể đạt được, nhưng chất lượng sản phẩm hay dịch vụ cung cấp lại chưa đáp ứng được mong đợi từ khách hàng.
Để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng cao, về lâu dài không thể không chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động rẻ sang dựa vào tăng năng suất và hiệu quả. Như vậy, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ cần có vốn đầu tư lớn, phải đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp thu và làm chủ công nghệ và cũng phải có công nghệ quản lý phù hợp để nâng cao hiệu quả của công nghệ đó. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp hoặc tổ chức cần quan tâm hơn nữa đến việc triển khai Lean 6 Sigma trong kinh doanh để tạo ra những bước đột phá lớn, nhằm cải tiến công cụ trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm chi phí, tiết kiệm để đem lại hiệu quả cao trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi các khu mậu dịch tự do bắt đầu đi vào hoạt động, hàng rào thuế quan sẽ được tháo dỡ đáng kể, hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam có giá hấp dẫn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán và động não nhiều hơn để cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Diệu Hà: Sở KHCN Huế
Trích: http://skhcn.hue.gov.vn/portal/?GiaoDien=12&ChucNang=92&NewsID=20100507145035